Ý nghĩa Ngọc_trản_ngân_đài

Chén ngọc trên đài bạc, vậy ẩn ý của người xưa khi đặt tên bài quyền và lời thiệu của bài quyền này thế nào, hiện có những giải thích khác nhau. Võ sư Nguyễn Anh Dũng cho rằng: Võ công và chén rượu, hình như có sự gắn bó ngàn đời. Trước khi lên đường ra chiến trận, được vua ban ngự tửu chúc kỳ khai đắc thắng, lúc ca khúc khải hoàn cũng được vua đón tận cổng thành, tự tay rót rượu mừng mã đáo công thành. Hoặc việc chinh chiến, không về cũng thường tình như uống chén rượu vậy thôi.

Tuy nhiên, võ sư Hồ Bửu, giám đốc Võ đường Tây Sơn-Bình Định tại Mỹ, một trong những học trò của hai võ sư Diệp Bảo Sanh (chưởng môn nhân đời thứ hai của Bình Thái Đạo) và Hồ Nhu (tức Hồ Ngạnh), lại tìm ý nghĩa của bài quyền Ngọc Trản từ những liên tưởng khác.

Võ sư Hồ Bửu cho rằng: Bài Ngọc Trản, có câu mở đầu Ngọc Trản ngân đài, tả hữu tấn khai. Ngọc trản (chén ngọc, chén nhỏ uống rượu hay trà), ngân đài (đĩa bạc có chân dùng để đặt trái cây cúng). Nhà của người Việt, hầu hết đều có một bàn thờ tổ tiên ông bà. Trên bàn thờ ấy, phía trước là cặp chân đèn cầy, chính giữa là một cái lư hương. Kế đến phía trong, và trước bài vị là lục bình cắm hoa, một đĩa bằng bạc có chân, người Bình Định gọi là cổ bồng, đặt trái cây, và bộ tách trà hay một nậm rượu với những chén ngọc nhỏ nhắn xinh xinh. Gia đình giàu có thì chén ngọc đũa ngà, cổ bồng bằng bạc; còn nhà nghèo khó cũng cố gắng lựa một bộ chén và cái đĩa đựng trái cây đẹp nhất, mà với họ quý như ngọc như ngà, để cúng kiến ông bà. Chén ngọc và đĩa bạc là hai vật thể làm sao có thể khai mở tiến ra bên trái bên phải? Thực ra câu thiệu này ngụ ý nói tổ tiên đã bỏ công sức, mồ hôi nước mắt và cả xương máu để xây đắp ngôi nhà và đất nước Việt Nam... Vậy điều đầu tiên của người học võ là phải biết tri ân các bậc tiền nhân và phải noi gương dấn thân bảo vệ non sông để Tổ quốc này mãi mãi trường tồn.